Việt Nam đang đứng trước những "cơ hội ngàn năm có một" để có thể thu hút đầu tư, tăng cường nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tầm nhìn chiến lược dài hạn đối với chính sách thu hút FDI và chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước...để có thể tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi trong vòng 5 năm tới.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản chúng ta sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại, nhưng đến giờ phút này mục tiêu đó vẫn chưa thực hiện được như mong muốn, nếu không muốn nói là kỳ vọng "hóa rồng, hóa hổ" còn xa vời.
Công nghiệp chế biến, chế tạo phải là động lực phát triển kinh tế
Trong bối cảnh hiện nay khi hoạt động dịch vụ, thương mại đang ngày càng phát triển nhờ sự tiến bộ vượt bậc của internet và khoa học công nghệ, đặc biệt từ khi khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ra đời, nhiều ý kiến cho rằng ngành sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo không còn vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, rằng trong giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam nên bỏ mục tiêu trở thành nước công nghiệp mà tập trung vào các ngành dịch vụ và các ngành có lợi thế nhờ CMCN 4.0.
Tuy nhiên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cũng như những gì đang xảy ra do đại dịch toàn cầu Covid-19 gây ra hiện nay cho thấy các nước có nền sản xuất công nghiệp phát triển có khả năng ứng phó linh hoạt với khủng hoảng tốt hơn và nhanh chóng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng hơn là những nước chủ yếu dựa vào dịch vụ, đặc biệt từ du lịch.
Theo đó, Cục Công nghiệp nhấn mạnh Việt Nam vẫn phải xác định ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn chiến lược tới. Cần tận dụng triệt để cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và xu hướng tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra hiện nay để tăng cường nội lực ngành công nghiệp trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, thay vì bỏ mục tiêu trở thành nước công nghiệp, theo Cục công nghiệp, Việt Nam nên lựa chọn một số tiêu chí cụ thể về nước công nghiệp hoặc nước công nghiệp mới, và các tiêu chí về năng lực cạnh tranh công nghiệp để đưa vào nhóm các mục tiêu phát triển kinh tế của chiến lược (ví dụ, có thể lựa chọn các chỉ tiêu về giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo (MVA) như MVA bình quân đầu người, tỷ trọng MVA trong GDP...
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng MVA đóng góp trong GDP của Việt Nam đã tăng từ 12,9% năm 2010 lên 16% năm 2018, vẫn chưa đạt ngưỡng 20% như ở các nước công nghiệp phát triển. MVA bình quân đầu người đã tăng từ 570,7 USD năm 2010 lên 946,2 USD năm 2018, gần đạt ngưỡng các nền kinh tế công nghiệp mới nổi theo tiêu chí của Unido. Với tốc độ tăng trưởng MVA trên 8% như trong vòng 5 năm vừa qua, dự kiến trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ có thể tham gia nhóm các nền kinh tế công nghiệp mới nổi.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận CMCN 4.0 một cách hợp lý, đảm bảo sự cân bằng, hài hoà, hợp lý giữa công nghệ thông tin và công nghệ vận hành (OT) bởi công nghệ vận hành là cốt lõi, là nền tảng để ứng dụng sâu rộng IT cũng như các công nghệ mới của CMCN 4.0. "Những ứng dụng của IT trong lĩnh vực dịch vụ (như taxi công nghệ, thương mại điện tử…) mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, quỹ đạo phát triển chính của IT chủ yếu xoay quanh các ngành sản xuất, hay nói cách khác, các công nghệ của CMCN 4.0 chỉ là công cụ, trong khi các công nghệ vận hành (OT) hay các ngành sản xuất, chế biến chế tạo mới là nền tảng cốt lõi", Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Cơ hội tái cấu trúc ngành công nghiệp
Đặc biệt, Cục Công nghiệp nhấn mạnh tới xu hướng tái cấu trúc chuỗi giá trị và dịch chuyển đầu tư. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam tái cấu trúc ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, từ cuối năm 2018, do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nhà đầu tư có giao dịch thương mại lớn với Hoa Kỳ đã có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế trừng phạt quá cao. Các nước ASEAN thường được xem là lựa chọn bổ sung cho các nhà máy tại Trung Quốc (Trung Quốc +1).
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 ảnh hưởng nghiêm trọng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia càng nhận thức rõ những rủi ro to lớn khi phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung duy nhất. Không chỉ các tập đoàn mà Chính phủ các nước cũng đã vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp của nước mình đang có nhà máy tại Trung Quốc dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất kinh doanh của họ về nước hoặc sang nước thứ ba.
Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước, và khuyến khích đưa hoạt động sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trở về Nhật và chuyển hoạt động sản xuất những mặt hàng khác sang ASEAN.
Tương tự, Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ cũng cho biết Chính phủ đang xem xét một chương trình hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp Mỹ nếu họ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc; Uỷ viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Động thái này của Chính phủ các nước và các tập đoàn đã tạo làn sóng rút lui một phần hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc, và tìm kiếm địa điểm đầu tư thay thế tại các nước lân cận để phân tán rủi ro.
Ngoài các yếu tố khách quan nêu trên, Cục Công nghiệp cho rằng với việc hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) sắp có hiệu lực, ngày càng có nhiều nhà đầu tư EU, đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo từ Đức, Pháp, Hà Lan… quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết Bộ này đang chuẩn bị kế hoạch để tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư trên. Ông nói: "Chúng tôi đã tiếp cận hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn để trao đổi về gói, phương thúc ưu đãi. Song song với sửa đổi các quy định về chính sách để tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư nước ngoài, việc Việt Nam đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ là lực hút các nhà đầu".